Nhảy đến nội dung
x

Đề thi trung học phổ thông quốc gia 2019 ra sao?

Nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn khi dự buổi tọa đàm cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học năm 2019. Tọa đàm do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực - Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27-11 tại Hà Nội.

Đề thi có cả kiến thức lớp 10, 11, 12

"Tại sao có năm đề thi rất dễ nhưng có năm lại rất khó, đến các thầy giỏi cũng khó khăn mới giải được?", một học sinh hỏi. Nhiều học sinh khác thì băn khoăn về nội dung kiến thức trong đề thi THPT quốc gia 2019, liệu có mở rộng sang chương trình của lớp 10 không?

Học sinh cũng mong muốn Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi minh họa, phạm vi kiến thức sẽ ra đề thi năm tới để học sinh lớp 12 có định hướng ôn tập sớm. 

Ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ GD Đại học-Bộ GD-ĐT - cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2019 về cơ bản giữ ổn định như năm 2018. Kết quả kỳ thi sẽ sử dụng cho 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng dự tuyển vào các trường đại học và các trường sẽ tuyển sinh nhiều đợt. "Nhưng các trường đại học lớn sẽ tuyển sinh chủ yếu trong đợt 1", ông Phạm Như Nghệ lưu ý.

Về đề thi, ông Phạm Như Nghệ cho biết sẽ bao gồm cả lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Điều này đã được thông báo từ năm 2017.

"Bộ GD-ĐTdự kiến cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện đề với số lượng lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đảm bảo cho đề đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa đủ phân hóa để các trường căn cứ vào đó xét tuyển đại học", ông Nghệ cho biết giải pháp để tránh tình trạng "quá dễ, hoặc quá khó" của hai kỳ thi đã qua.

Chấm thi: giao cho các trường đại học

Theo ông Phạm Như Nghệ, kỳ thi tới đây sẽ có những điều chỉnh về chấm thi. Cụ thể bài thi trắc nghiệm sẽ không giao cho địa phương chấm như trước đây mà chuyển cho các trường đại học thực hiện chấm. Có thể sẽ tổ chức một số điểm để chấm chứ không dàn ra 63 tỉnh, thành.

Ngoài ra, phần mềm chấm thi, cách quản lý bài thi, điểm thi cũng có những điều chỉnh so với năm 2018.

Khâu coi thi cũng sẽ có những điều chỉnh. Ví dụ sẽ không bố trí các trường đại học, cao đẳng (đơn vị phối hợp với sở GD-ĐT) coi thi tại địa phương mà phải coi thi ở nơi khác.

'Chỉ chọn trường, không chọn nghề' coi chừng thất nghiệp

Đề cập đến câu chuyện chính của buổi tọa đàm, nhằm thúc đẩy công tác hướng nghiệp đối với học sinh phổ thông, TS Trần Văn Tính - Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội, cho biết khi trao đổi với một số học sinh tại tọa đàm về việc các em chọn nghề như thế nào, đa số nói "chỉ chọn trường, không chọn nghề".

"Xu thế chung là chọn trường có uy tín để dự thi, nhiều thí sinh đã không hiểu biết nhiều về ngành nghề mình chọn học. Vì thế nhiều sinh viên sau khi nhập học mới chán nản, thấy mình không phù hợp", TS Trần Văn Tính lưu ý.

Cũng theo ông Tính, xu hướng chọn nghề theo số đông khiến một số ngành đào tạo có quá nhiều thí sinh đăng ký trong khi cơ hội việc làm lại không phải tập trung nhiều ở các ngành "hot".

Theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm, ngành phù hợp với sở trường, năng lực, hoàn cảnh gia đình là căn cứ để chọn nghề, nhưng hơn hết các bạn trẻ cần có đam mê và học cách theo đuổi đam mê đó.

Nhưng đam mê không tự nhiên mà có. Nó hình thành từ những trải nghiệm, hiểu biết khi còn là học sinh phổ thông. Vì thế trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn hướng nghiệp cần phải thúc đẩy với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hơn nữa.